Ngày nay vẫn không ít người lớn tuổi quan niệm già thì răng rụng và chấp nhận việc nhổ bỏ răng khi đau răng, chấp nhận việc mất răng một cách dễ dàng. Khi không còn răng để tiêu hóa thức ăn, sức khỏe mau suy sụp vì thiếu dinh dưỡng. Trong khi đó, cũng như những vấn đề sức khỏe khác, chăm sóc sức khỏe răng miệng ở người lớn tuổi khác với ở người trẻ và trẻ em.
Răng người lớn tuổi thường hay xệu xạo. Đó là hậu quả của bệnh nha chu (mô chung quanh răng) không được chữa trị đúng cách. Ở người cao tuổi, các mô mềm của má và nướu răng bị mất đi tính đàn hồi, các cơ yếu đi. Lượng nước miếng tiết ra trong miệng cũng giảm đi khiến người ta nhai và tiêu hóa thức ăn khó hơn. Niêm mạc miệng trở nên bở, dễ sứt; vết thương khó lành hơn. Sâu răng thường xuất hiện ở chân răng, nhất là ở phần chân răng lộ ra bởi nướu răng teo lại. Ở người lớn tuổi, các bệnh về nướu là nguyên nhân chính làm mất răng. Thoạt tiên là hiện tượng nướu đỏ hay sưng lên, sau đó chảy máu khi bị kích thích hay va chạm. Men răng mỏng đi với thời gian, để lộ phần ngà dễ bị hư hỏng và bị ăn mòn bởi các thức ăn có tính acid.
Bệnh nha chu và sâu răng hoàn toàn có thể ngăn ngừa được. Với những hiểu biết về bệnh răng miệng ngày nay, người ta thấy rằng nếu không chữa trị, bệnh răng miệng còn dẫn đến các hậu quả là bệnh tim mạch, thấp khớp, ung thư.
Việc chăm sóc sức khỏe răng miệng ở người cao tuổi cần tuân thủ các yêu cầu sau:
Vệ sinh
- Chải răng mỗi ngày bằng kem đánh răng có fluor ít nhất 2 lần: vào buổi sáng sớm và tối trước khi đi ngủ. Lấy răng giả ra trước khi đánh răng.
- Chải răng đúng cách bằng bàn chải mềm khắp các mặt nhai, mặt ngoài và trong răng.
- Khám kiểm tra răng miệng, ít nhất mỗi năm một lần.
Chăm sóc răng giả
Thường dùng nhất là loại răng giả tháo ráp được. Loại răng này phải tựa vào các xương, răng gần bên, nhưng đến độ tuổi nào đó các xương chịu đựng chúng lại có khuynh hướng nhỏ đi, vì vậy răng giả có thể bị lỏng, không còn khít nữa và làm tổn thương các mô xung quanh, tạo cảm giác khó chịu. Vì vậy một hàm giả nên được thay mỗi 3 - 5 năm.
Bộ răng giả cần được chải sạch bằng bàn chải mềm mỗi ngày với loại bột chuyên dụng hoặc xà bông rửa tay vì răng giả cũng bị đọng các vụn thức ăn và mảng bám như răng thật. Các dung dịch tẩy rửa răng giả thường không đủ sức tẩy sạch hết các bẩn bám mà chỉ đủ làm mất mùi hôi. Không dùng các loại chất tẩy rửa gia dụng có tính ăn mòn hay độc hại. Khi không dùng, nên ngâm răng giả trong nước hay dung dịch làm sạch.
Một số thuốc điều trị bệnh kinh niên như thuốc huyết áp, tim mạch, bệnh Parkinson... có thể làm cho tuyến nước bọt tiết ra ít nước bọt hơn gây chứng khô miệng. Theo Tổ chức y tế thế giới, có tới 400 loại thuốc dùng để điều trị các bệnh mà người lớn tuổi thường mắc phải gây khô miệng. Điều này làm tăng nguy cơ bị sâu răng và bệnh nha chu. Khô miệng cũng làm cho khó chịu khi đeo răng giả vì nước bọt đóng vai trò như một chất làm nhờn. Nha sĩ sẽ cho bạn dùng các chất làm nhờn